Thực hiện Kế hoạch số 1174/KH-SYT ngày 04/12/2015 của Sở Y tế về công tác Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, năm 2019, ngành Y tế Nam Định tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC). Ngay từ năm 2018, Sở Y tế đã xây dựng các kế hoạch và văn bản triển khai công tác CCHC như: Kế hoạch CCHC ngành y tế, kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, kế hoạch truyền thông CCHC, kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch rà soát, thống kê các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp luật của các cơ quan, đơn vị… Xác định tầm quan trọng của CCHC trong thực hiện nhiệm vụ, ngành Y tế đã đưa việc triển khai công tác CCHC là một trong các nội dung thi đua khen thưởng.

Đẩy mạnh CCHC, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà và rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh và người yêu cầu thực hiện các TTHC... là những nhiệm vụ trọng tâm mà Ngành đã và đang thực hiện. Trong đó, xác định công tác CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm trong những năm qua và từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Y tế Tỉnh đã triển khai đồng bộ tất cả các nội dung của chương trình CCHC nhà nước bao gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về CCHC, chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2008 sang áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015.

Bệnh viện Đa khoa Tỉnh sử dụng CNTT trong tiếp đón bệnh nhân

Trong công tác cải cách TTHC, Ngành luôn xác định đây là nội dung quan trọng, thường xuyên, cần phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm xóa bỏ các thủ tục rườm rà cho tổ chức và công dân. Sở Y tế đã tiến hành rà soát, trình UBND Tỉnh bãi bỏ 25 TTHC, ban hành 14 TTHC mới vào tháng 5/2019, bãi bỏ 17 TTHC vào tháng 9/2019. Các TTHC thuộc thẩm quyền được công khai giải quyết online và trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Y tế và các đơn vị. Các TTHC được thực hiện cơ chế một cửa, liên thông. Sở Y tế cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 trên hệ thống quản lý trang thiết bị của Bộ Y tế đối với 05 TTHC thuộc lĩnh vực trang thiết bị và công trình y tế, công khai giải quyết 112 TTHC khác tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm công khai giải quyết 04 TTHC, Trung tâm Giám định Y khoa công khai giải quyết 23 TTHC. Tính đến tháng 12/2019, Sở Y tế đã thực hiện được 130 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Ngành Y tế Nam Định đã tiến hành thành lập Trung tâm Y tế huyện, thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Dân số KHHGD cấp huyện; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng,Trung tâm Truyền thông GDSK, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm cho cán bộ, viên chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Trong công tác tài chính, Sở Y tế đã thực hiện cải cách hành chính công theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị được giao quyền hoàn thiện các chế độ, định mức phân bổ, định mức chi tiêu, tăng cường thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài chính… Bên cạnh đó, ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng, sửa đổi, bổ sung: quy chế chi tiêu nội bộ; quản lý, sử dụng tài sản công; công khai, minh bạch về tài chính; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thiết lập quỹ để đầu tư mua sắm… Hướng dẫn các đơn vị lập dự toán, thực hiện dự toán, kiểm tra, quyết toán ngân sách. Triển khai phần mềm quản lý tài chính cho các đơn vị trong ngành.

Công tác hiện đại hóa hành chính cũng được quan tâm. Toàn ngành đã sử dụng hệ thống thư điện tử và phần mềm quản lý văn bản VNPTioffice, 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Tiếp tục sử dụng CNTT trong việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh, kết nối dữ liệu khám chữa bệnh, cận lâm sàng, thanh toán viện phí giúp rút ngắn thời gian và giảm áp lực cho cán bộ y tế, tiếp tục duy trì các phần mềm báo cáo giám sát dịch bệnh, quản lý bệnh nhân điều trị methadone, 100% các đơn vị sử dụng phần mềm kế toán Mimosa.net, phần mềm quản lý tài sản công theo điện toán đám mây, sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện Medisoft…

Trên cơ sở những kết quả đạt được về CCHC thời gian qua, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, Sở Y tế đã tiến hành xây dựng kế hoạch CCHC năm 2020. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành các quy định đổi mới cơ chế, tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Nghị định về lĩnh vực Y tế cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; tiếp tục kiểm tra công tác CCHC, chấm điểm chỉ số CCHC của các đơn vị trực thuộc; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc các phòng chức năng của Sở và các đơn vị trực thuộc theo quy định; thực hiện quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng, đơn vị trực thuộc trong diện quy hoạch của Ngành theo quy định; tiếp tục đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị, ngoại ngữ, quản lý nhà nước, tin học, nghiệp vụ quản lý hoạt động Y tế cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ về đổi mới tài chính công, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tiếp tục thực hiện chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2008 sang áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động của Ngành./.