Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thời gian qua, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia như dịch sởi tại Philippines, dịch MERS-CoV tại Ả Rập Xê Út và Oman...

Tại Việt Nam, một số dịch bệnh dự báo có diễn biến phức tạp trong năm 2019 như: Bệnh sốt phát ban nghi sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra tại một số địa phương. Vào mùa bão lụt, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển như: Bệnh đường ruột (tả, lỵ thương hàn...), bệnh đau mắt, bệnh da liễu, viêm màng não, viêm não, đặc biệt là sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm...

Trước tình hình đó, ngành y tế Nam Định đã triển khai tốt một số giải pháp đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

  

Cán bộ y tế tiến hành bắt muỗi bằng máy cầm tay tại nhà dân (thị trấn Gôi -Vụ Bản) để phòng bệnh sốt xuất huyết

Trong 7 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác giám sát dịch, các trường hợp mắc bệnh đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Toàn tỉnh có 80 ca sốt phát ban nghi sởi, 19 bệnh nhân mắc, nghi mắc bệnh ho gà, 23 ca nghi mắc bệnh tay chân miệng, 2 ca nghi mắc viêm não Nhật Bản B, không xuất hiện ổ dịch tại cộng đồng. Tính đến ngày 1-8-2019, toàn tỉnh có 41 bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết, trong đó: huyện Giao Thủy 16 ca, huyện Nghĩa Hưng 2 ca, huyện Trực Ninh 3 ca, huyện Vụ Bản 3 ca, huyện Xuân Trường 6 ca, huyện Ý Yên 4 ca, thành phố Nam Định 6 ca, huyện Nam Trực 1 ca. Qua phân loại, có 39 bệnh nhân ngoại lai, 2 bệnh nhân nội địa tại 1 ổ dịch ở phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức giám sát véc-tơ, tổ chức chiến dịch dọn vệ sinh môi trường và phun hóa chất chống dịch tại các hộ dân ở phường Trần Đăng Ninh. Đến nay, không ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết mới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại các ổ dịch cũ và các địa phương có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, mỗi tháng giám sát 5-7 xã; tuyến huyện, thành phố mỗi tháng giám sát 3-5 xã. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho 205 cán bộ y tế chuyên trách sốt xuất huyết, cộng tác viên y tế thôn, xóm. Các huyện, thành phố tổ chức 16 lớp tập huấn, mỗi lớp 25-30 cán bộ y tế và cộng tác viên tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.

Ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân để họ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ môi trường làm việc, môi trường sống. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra đảm bảo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Trong thời gian tới, ngành y tế Nam Định tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát để phát hiện sớm và xử trí triệt để các ổ dịch (nếu có), khống chế kịp thời không để dịch lan rộng./. 

Nguồn: Sở Y tế Nam Định