Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, có tuổi thọ hàng trăm năm, một trong những biểu tượng của Paris hoa lệ đã và đang để lại nỗi tiếc nuối không nguôi của người dân Pháp, cộng đồng người Công giáo và cả những người yêu lịch sử, văn hóa và kiến trúc Pháp.

Tuyệt tác của nước Pháp đã không còn

Vụ cháy kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/4 sẽ đi vào lịch sử của nước Pháp, khiến người dân Pháp và khắp nơi trên thế giới bàng hoàng, xót xa. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã để lại những mất mát rất lớn đối với nước Pháp, bởi Nhà thờ Notre Dame có  lịch sử hơn 850 năm, là nhà thờ nổi tiếng nhất của nước Pháp, một trong những công trình văn hóa của nhân loại, công trình nghệ thuật đẹp và vĩ đại nhất thế giới. Nhà thờ Đức Bà Paris còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHW (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.

nha-tho-duc-ba-paris-trai-tim-cua-nuoc-phap-da-bi-ton-thuong-1

Đám cháy xảy ra vào khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương từ đỉnh ngọn tháp, sau đó lan rộng ra toàn bộ phần mái của nhà thờ,  trong khi chỉ còn ít ngày nữa, đây sẽ là nơi diễn ra Lễ Phục sinh. Hơn 400 lính cứu hỏa đã được huy động để dập đám cháy, nhưng hầu hết đều sử dụng các dụng cụ dập lửa thông thường, bởi người ta lo ngại  nếu sử dụng các  phương tiện dập lửa hiện đại hơn như máy bay sẽ làm tổn hại thêm cho công trình lịch sử này. Dù đám cháy đã được khống chế ngay sau đó nhưng phần mái của Nhà thờ đã không còn.

Trước khi bị nuốt trọn bởi ngọn lửa, Nhà thờ Notre Dame dự kiến kinh phí để bảo tồn và phục hồi là 170 triệu USD, nhưng đến nay, tuyệt tác của nước Pháp đã không còn toàn vẹn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn nhìn thấy lại hình ảnh những mái vòm của thế kỷ 13 được xây dựng lại trong vòng 5 năm. Ông Macron nói: "Chúng tôi có rất nhiều thứ để xây dựng lại. Nước Pháp đã trải qua các cuộc cách mạng và chiến tranh  nhưng chúng tôi vẫn luôn xây dựng lại.

nha-tho-duc-ba-paris-trai-tim-cua-nuoc-phap-da-bi-ton-thuong-2

Người phát ngôn của Notre Dame ông Andrew Finot cho biết, toàn bộ phần mái nhà đã biến mất, giờ đây để có lại những hình ảnh xưa là một thử thách không nhỏ. Ông cho biết,  80% số cổ vật vô giá trong khu bảo tồn bao gồm Vương miện gai của chúc Giêsu đeo khi Người bị đóng đinh, cây thánh giá, cây đàn lớn nhất của Pháp và rất nhiều cổ vật khác đã được đội lính cứu hỏa cứu hoặc ở những nơi an toàn.

Nhà Thờ Đức bà Paris – chứng nhân lịch sử

Nhiều người không biết rằng, Nhà thờ Nothe Dame là địa điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất ở Pháp, nó  nổi tiếng hơn cả Tháp Eiffel  của Paris, mỗi năm nơi đây thu hút 13 triệu lượt khách tham quan, gần gấp đôi so với 7 triệu người ghé thăm Tháp Eiffel.

Nhà thờ được xây dựng trong gần  2 thế kỷ, bắt đầu từ năm 1163 và kết thúc vào năm 1345- nó xuất hiện sớm hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Tháp Eiffel nổi tiếng chỉ được hoàn thành vào năm 1889. Nhà thờ dài 130 mét, dài hơn một chút so với sân bóng đá và rộng 48 mét. Một trong những nét kiến trúc đặc biệt nhất của nhà thờ là chiều cao tới 35 mét.  Phần khung nhà thờ được làm từ gỗ của 1.300 cây sồi, tương đương 21 ha rừng, nó có thể chứa tới 6000 tín đồ tới cầu nguyện cùng lúc. Kiến trúc Gothic thời trung cổ xuất hiện ở khắp nơi trong Nhà thờ này, với những tháp vuông chạy dọc, khiến  các tòa nhà như nhẹ hơn và luôn vươn lên cao như vươn tới thiên đàng.

nha-tho-duc-ba-paris-trai-tim-cua-nuoc-phap-da-bi-ton-thuong-3

Nhà thờ Notre Dame được xây dựng bên bờ sông Seine, là trung tâm của đời sống văn hóa, tôn giáo của người Pháp kể từ khi nó được hoàn thiện vào thế kỷ 14. Có thời gian, nơi đây trở thành trung tâm quyền lực của nước Pháp, biểu tượng về sức mạnh kinh tế, chính trị, tri thức và văn hóa của thủ đô.

Nhà thờ Đức Bà Paris còn là một biểu tượng mang đậm dấu ấn Pháp, nó đã đi vào nhiều thời khắc quan trọng trong lịch sử nước Pháp. Gọi Nhà thờ Notre Dame là “chứng nhân lịch sử” quả không ngoa, khi tại địa điểm linh thiêng này, lịch sử đã được tạo nên, hình thành. Người ta đã ví các bức tượng quỷ tọa lạc trên nóc nhà thờ chính là những chứng nhân dõi theo chiều dài lịch sử nước Pháp. Các bức tượng này chứng kiến cả vinh quang và thảm kịch, những giờ phút huy hoàng và đau thương trong lịch sử nước Pháp  xảy ra trong nhiều thế kỷ qua. Đó là nơi diễn ra lễ đăng quang của một số vị vua trị vì nước Pháp như Hoàng đế Napoleon Bonaparte vào năm 1804, nơi diễn ra các lễ cưới hoàng gia và là địa điểm Joan of Arc – người có công giúp Pháp đánh bại quân đội Anh, được phong thánh…. Trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, Nhà thờ đã từng gánh chịu nhiều đau thương cùng nước Pháp khi bị phá hủy tương đối nhiều. Tuy nhiên qua thời gian, với sự giúp đỡ của một kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc, công trình được trùng tu và trở nên vĩ đại trở lại.

Linh hồn của nước Pháp

Nhà thờ Notre Dame nổi tiếng nhất với những tác phẩm điêu khắc và những cửa sổ kính màu hoa hồng. Đây được coi là một tài sản “vô giá” của nhà thờ, là tuyệt tác trong nghệ thuật tranh kính nổi tiếng khắp thế giới. Cửa sổ hoa hồng là những cửa sổ lớn nhất và duy nhất trên thế giới thời điểm nó được tạo ra. Điều đặc biệt là khi ánh sáng tự nhiên khi chiếu qua cửa kính đầy sắc màu, vào nhà thờ sẽ biến đổi thành các màu khác nhau với ý nghĩa nhắc nhở mỗi tín đồ rằng, mỗi người chúng ta là một màu sắc không giống nhau và ai ai cũng đặc biệt. Ánh sáng đó còn có ý nghĩa kết nối với tầm cao kiến ​​thức.

Giáo sư về lịch sử Pháp tại Đại học New York  Edward Berenson cho biết Notre Dame là "một trong những nơi linh thiêng nhất, không chỉ ở Pháp mà còn trong cộng đồng  Công giáo, nó kết nối lịch sử và hiện tại. "

nha-tho-duc-ba-paris-trai-tim-cua-nuoc-phap-da-bi-ton-thuong-4

Vẻ đẹp tuyệt vời của Nhà thờ Đức Bà đã mê hoặc nhiều người, trong đó có cả nhà văn Victor Hugo. Năm 1831, ông đã đưa Nhà thờ Đức Bà Paris nổi danh khắp thế giới qua câu chuyện tình yêu tình yêu đầy bi thương giữa nàng Esmeralda hay thằng gù Quasimodo. Thằng gù Quasimodo là một người xấu xí, mồ côi khốn khổ được người ta đưa về nhà thờ nuôi dưỡng và trở thành người đánh chuông cho nhà thờ. Tuy nhiên một thằng gù xấu xí , tưởng như không có trái tim lại yêu nàng Esmeralda một tình yêu say đắm, cuồng nhiệt. Trong khi Esmeralda lại sợ hãi hình dạng xấu xí của chàng gù và đem lòng yêu một người khác.

Trong tác phẩm của mình Victor Hugo đã từng mô tả một đám cháy ở nhà thờ: “Mọi ánh mắt đều hướng lên đỉnh nhà thờ, chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cửa sổ hoa hồng trung tâm, có một ngọn lửa lớn dữ dội bốc lên giữa hai gác chuông. Bên dưới ngọn lửa, dưới những lan can ảm đạm, hai ống máng bằng đá như mồm hai con quái vật đang phun không ngớt cơn mưa lửa... Hàng loạt bức tượng quỷ dữ và rồng đau đớn trong biển lửa.”  Khi vụ cháy Nhà thờ xảy ra khiến nhiều người liên tưởng đến những hình ảnh kinh hoàng mà nhà văn sống cách đây hàng chục thế kỷ mô tả.

Đến nay, Nhà thờ Đức Bà Paris đã phát triển thành một nơi mà mọi người Pháp đều  cảm thấy là một phần của nó cho dù họ có theo tôn giáo hay không, bởi Nhà thờ này đã có ý nghĩa quốc gia. Đó là một trong những biểu tượng của nước  Pháp thậm chí còn hơn cả tháp Eiffel.

 

 

Hải Yến

(theo ABC, NY times)