Thông thường, cứ vào mùa lạnh, số trẻ mắc viêm tai giữa lại gia tăng. Nếu trước đây, trong một ngày số trẻ tới khám tai mũi họng chỉ gặp 1-2 trẻ bị viêm tai giữa, thì mùa lạnh, số lượng là 10 trẻ. Vậy viêm tai giữa cần phòng tránh như thế nào?

Viêm tai giữa là hiện tượng niêm mạc tai giữa bị xung huyết và hóa mủ. Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và thường là biến chứng của bệnh viêm mũi họng. Viêm tai giữa gia tăng là do bệnh viêm mũi họng. Việc phòng tránh viêm tai giữa hoàn toàn có thể chủ động được nếu trẻ được điều trị sớm và đúng cách bệnh viêm mũi họng.

1. Cách phát hiện viêm tai giữa ở trẻ em

Viêm tai giữa nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn thành viêm tai giữa ứ mủ, nếu tiếp tục không điều trị sẽ gây thủng màng nhĩ, thậm chí ảnh hưởng đến thính lực của trẻ sau này. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Viêm tai giữa xảy ra ở trẻ thường trong độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo, sau một đợt viêm nhiễm mũi họng (sốt, đau họng, chảy mũi, ho…) khoảng 7 đến 10 ngày mà trẻ sốt cao trở lại, quấy khóc nhiều hơn, trẻ khó chịu hay sờ vào tai, dụi đầu vào ngực mẹ hoặc biết kêu đau tai… Nếu trẻ có những biểu hiện này, cha mẹ nên nghĩ đến trẻ bị viêm tai giữa cấp, khi đó cần đưa trẻ đến bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám và điều trị.

Tại cơ sở y tế các bác sĩ khám lâm sàng sẽ sử dụng hệ thống trang thiết bị thăm khám như máy nội soi, đèn Clar để chẩn đoán. Tuy nhiên, cần tránh nhầm lẫn với một số bệnh viêm ống tai ngoài - tắc hoặc bán tắc vòi tai đơn thuần hoặc viêm họng cấp đợt mới có thể đau lan lên tai…

Viêm tai giữa ở trẻ em mùa lạnh: Cách phát hiện, chẩn đoán và phòng tránh  - Ảnh 2.

Viêm tai giữa là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ nhỏ

2. Vai trò của đo nhĩ lượng trong viêm tai giữa ở trẻ

Viêm tai giữa là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ nhỏ, đây là bệnh lý mà bố mẹ trẻ không thể tự nhận biết trong những giai đoạn đầu của bệnh, mà cần đến sự chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. Việc đánh giá có hay không dịch ở trong tai giữa, lượng dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán, tiên lượng và điều trị bệnh.

Giai đoạn đầu của viêm tai giữa tiết dịch, triệu chứng rất nghèo nàn nên cha mẹ thường khó phát hiện. Khám tai giai đoạn đầu của viêm tai giữa tiết dịch màng nhĩ thường bình thường, khi bệnh nặng hơn có thể thấy bóng khí ở màng nhĩ hay mức nước ở tai giữa. Để chẩn đoán sớm bệnh viêm tai giữa tiết dịch là khá khó khăn.

Nghiệm pháp đo nhĩ lượng đồ là một nghiệm pháp quan trọng, để đánh giá tình trạng tai giữa. Kết quả cho biết tai giữa bình thường hay đang bị bệnh, nhiều khi có trước những triệu chứng được biểu hiện ở bệnh nhân. Tùy theo kết quả của nhĩ lượng đồ chúng ta cũng có thể biết tình trạng ứ dịch nhiều hay ít trong tai giữa.

Viêm tai giữa ở trẻ em mùa lạnh: Cách phát hiện, chẩn đoán và phòng tránh như nào? - Ảnh 3.

Hình ảnh màng nhĩ bình thường và tai giữa bị viêm

3. Điều trị viêm tai giữa ra sao?

Các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt, giảm đau…

Điều trị tại chỗ, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc dạng nhỏ hoặc xịt tại mũi với mục tiêu chống viêm, giảm phù nề và thuốc nhỏ tai. Điều cần lưu ý, cha mẹ chỉ được sử dụng theo đơn của thầy thuốc, vì tự ý dùng thuốc mà chưa đánh giá được màng nhĩ, có thể sẽ sử dụng các thuốc gây độc cho tai, gây nghe kém hoặc điếc không hồi phục.

‎4. Những nguyên tắc giúp cha mẹ phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ

Viêm tai giữa được xếp là viêm nhiễm đường hô hấp trên do có chung một hệ thống niêm mạc, đó là biểu mô trụ. Để phòng bệnh viêm tai giữa cần giữ gìn vệ sinh vùng mũi họng. Khi bị viêm mũi họng nên điều trị tích cực và để tránh biến chứng viêm tai. Dưới đây là 4 nguyên tắc để phòng và điều trị viêm tai giữa cho trẻ.

4.1. Phát hiện sớm

- Trẻ đang có viêm nhiễm mũi họng: Sốt, chảy mũi, ho….

- Đột nhiên thấy trẻ quấy khóc hơn, dụi tai vào ngực mẹ, bỏ ăn… Nếu trẻ lớn hơn có thể biết nói đau tai và chỉ vào tai bị đau.

- Có thể xuất hiện rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy). Đó là dấu hiệu chỉ điểm của viêm tai giữa cấp, nếu phát hiện sớm sẽ điều trị hiệu quả và hạn chế các yếu tố nguy cơ.

4.2. Điều trị đúng và dứt khoát

- Đến ngay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khẳng định có viêm tai giữa hay không.

- Điều trị đúng theo đơn và tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của bác sĩ

Viêm tai giữa ở trẻ em mùa lạnh: Cách phát hiện, chẩn đoán và phòng tránh như nào? - Ảnh 4.

Viêm tai giữa là hiện tượng niêm mạc tai giữa bị xung huyết và hóa mủ.

4.3. Hiểu được bệnh của trẻ để phối hợp với bác sĩ

Viêm tai giữa là biến chứng từ viêm mũi họng của trẻ (98%), do nhiễm trùng hoặc dịch đi từ mũi họng lên tai giữa qua đường thông giữa mũi và tai, được gọi là vòi nhĩ (hay vòi tai - vòi Eustachi), vì thế cần lưu ý:

- Điều trị nhiễm trùng mũi họng và tai giữa

- Điều trị tại chỗ viêm nhiễm của mũi họng

- Điều trị tại chỗ chỉ khi tai đã thủng màng nhĩ hoặc được bác sĩ tai mũi họng chỉ định trích rạch màng nhĩ.

- Viêm tai giữa có thể tái phát nếu viêm mũi họng không được điều trị đúng và kịp thời.

- Viêm tai giữa có thể diễn biến thành mạn tính nếu không được điều trị triệt để các đợt cấp tính.

- Thời gian điều trị trung bình 4 - 6 tuần.

- Thời gian sử dụng kháng sinh tuỳ theo tình trạng diễn biến của bệnh viêm tai giữa và do bác sĩ điều trị quyết định (có những trường hợp đặc biệt có thể sử dụng tới 2 tháng kháng sinh - dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ).

Viêm tai giữa ở trẻ em mùa lạnh: Cách phát hiện, chẩn đoán và phòng tránh như nào? - Ảnh 5.

Viêm tai giữa nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn.

4.4. Không nên tự bơm rửa mũi cho trẻ

Vì sự chệnh lệch nhiệt độ giữa dịch bơm rửa (thường dưới 25 độ) và biểu mô đường hô hấp (33 độ): Tai mũi họng sẽ kích thích biểu mô đường hô hấp tăng tiết, nhất là những người có cơ địa dị ứng.

- Áp lực của bình xịt rửa sẽ đẩy dịch và vi khuẩn một phần xuống họng - một phần sẽ vào các ngách trong hốc mũi trong đó có lỗ vòi tai và các khe xoang.

- Khi xịt rửa, với lượng dịch vào mũi nhiều, mọi người sẽ có phản xạ xì mũi: Như vậy khi xì tức là tạo áp lực đẩy dịch ra ngoài, đồng thời cũng đẩy vào trong xoang và tai qua các lỗ thông xoang và vòi tai: Đây là lý do chính gây viêm mũi xoang và viêm tai giữa.

 

 Làm mất lớp bảo vệ của hệ thống mũi xoang: Trong điều kiện bình thường, trên bề mặt các tế bào biểu mô hô hấp của mũi xoang có hệ thống thảm nhầy: Trong thành phần có các đại thực bào, có các chất có khả năng diệt khuẩn và tạo thành gỉ mũi được vận chuyển ra cửa mũi trước hoặc xuống họng. Khi xịt rửa sẽ làm mất đi lớp thảm nhầy này, từ đó làm cho niêm mạc mũi xoang phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố gây bệnh, do đó khả năng nhiễm khuẩn tăng.

Tóm lại: Viêm tai giữa có nguồn gốc từ viêm mũi họng xuất hiện khi có hiện tượng bít tắc lỗ vòi tai, từ đó hình thành áp lực âm trong tai giữa, gây tăng tiết của niêm mạc tai giữa, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, từ đó quá trình viêm tai giữa bắt đầu hình thành.

Vậy, để ngăn chặn tần suất viêm tai giữa ở trẻ trong mùa lạnh đều gắn với việc ngăn chặn từng bước các nguy cơ để viêm tai giữa có điều kiện hình thành như đã phân tích ở trên.

Việc điều trị viêm mũi họng không phải lúc nào cũng đơn giản, chính vì thế nếu trẻ bị viêm mũi họng kéo dài hay sau một tuần cha mẹ chăm sóc nhưng tình trạng viêm mũi họng không cải thiện, ngày càng nặng thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Lúc này trẻ cần sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng. Cha mẹ cũng cần lưu ý phải tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc cũng như lời hướng dẫn của thầy thuốc, không tự động dừng thuốc khi chưa cho trẻ đi khám lại.

Theo: https://suckhoedoisong.vn