ĐIỀU DƯỠNG ƠI BẠN LÀ AI?

( Viết tặng điều dưỡng nhân ngày Điều dưỡng thế giới, 12/5)
Chắc hẳn trong chúng ta đã từng nghe câu nói “ Tài sản quý nhất của con người là sức khỏe và trí tuệ”. Tạo hóa ban cho chúng ta một cơ thể như một tiểu vũ trụ, các cơ quan được hoạt động dưới sự lập trình thông minh của tạo hóa. Và khi bất cứ một cơ quan nào đó bị trục trặc, chẳng hạn thời tiết hay môi trường thay đổi cũng làm cho bộ máy đó cọt kẹt, chúng ta lại phải nhờ đến ngành y tế cứu chữa.
Trong hệ thống y tế người điều dưỡng giống như một người chăm sóc bảo dưỡng, bảo hành, cứ âm thầm làm những công việc lau chùi tra dầu, vặn lại những con ốc vít trên đó. Và rất ít được mọi người ghi nhận.
Trong 3 năm qua nhân loại phải đối mặt với dịch diện rộng trên toàn cầu, hầu như không ai trong số chúng ta không bị tác động bởi dịch Covid. Trong bối cảnh đó cả hệ thống điều dưỡng làm việc hết công suất. Trên tất cả các tuyến không nơi nào là không có mặt điều dưỡng. Lúc ấy cộng đồng mới nhận thấy giá trị thật sự của những người làm nghề chăm sóc. Lúc ấy con người không chỉ đối mặt với những bệnh lý về cơ thể vật lý mà tinh thần họ cũng bị suy sụp, nhiều ca bệnh trầm cảm sau đại dịch gia tăng làm cho hệ thống y tế quá tải. Các phương tiện truyền thông bắt đầu ca ngợi công lao của những người điều dưỡng. Những điều dưỡng trong vùng dịch được ca ngợi như những anh hùng trên mặt trận không tiếng súng.
Rồi tình hình dịch dần lắng xuống, cuộc sống dần trở lại bình thường. Những điều dưỡng trở lại với công việc hàng ngày, chăm sóc những bệnh nhân tại cơ sở y tế và cộng đồng. Đâu đó lại có những lời phản ánh bằng lời, bằng văn bản… phản ánh điều dưỡng này điều dưỡng nọ có thái độ không đẹp với người bệnh. Điều dưỡng lại chịu nhiều áp lực từ nhiều phía: từ người bệnh, từ gia đình, từ đồng nghiệp, từ cộng đồng và nhiều người đã bỏ việc. Quả là những thông tin không vui. Trong chúng ta có ai là người không trân quý sức khỏe và mong muốn bảo vệ nó, những người làm nghề chăm sóc súc khỏe có ai là không mong muốn đáp ứng nhu cầu của người bệnh, Vậy mà có sự mất kết nối. Bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, nhân viên y tế thì có những ứng xử thiếu tinh tế với người bệnh? đâu là nguyên nhân? Giải pháp nào để cải thiện.
Mình có may mắn được trải nghiệm nhiều vai trong hệ thống y tế. Xuất phát điểm là một Nữ hộ sinh, làm việc trong một bệnh viện tuyến huyện, rồi làm điều dưỡng trưởng bệnh viện, giáo viên trường y, và tư vấn sữa mẹ cộng đồng. Đã từng tham gia và dành giải nhất cuộc thi Điều dưỡng Việt Nam bước vào thế kỷ 21 vào năm 2000, tham gia giảng dạy các dự án mang tầm quốc gia, giải nhì cuộc thi Giáo viên dạy giỏi về giáo dục nghề nghiệp năm 2015. Đã phấn đấu nỗ lực học hết chương trình chuyên khoa 1 điều dưỡng năm 2008. Cho phép mình trải lòng những cảm xúc của các vai cùng cả nhà nhé.
Trong vai một điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân: Mình luôn có gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao: thực hiện các y lệnh của bác sỹ, quản lý các tài sản của bệnh viện cũng như của gia đình bệnh nhân trong phiên trực, tư vấn giáo dục sức khỏe cho gia đình người bệnh, hướng dẫn gia đình người bệnh thiện các nghĩa vụ với cơ sở điều trị, hoàn thành các thủ tục hồ sơ bệnh án, hướng dẫn người bệnh theo dõi và tái khám, và rất nhiều các công việc không tên. Trong vai một người quản lý, mình luôn đặt ra những tiêu chuẩn, quy ước này nọ và có nhiều cơ chế để nhân viên thực hiện. Trong vai một giáo viên mình luôn mong muốn học trò của mình phải thực hiện đúng quy chuẩn, đúng theo quy trình….Trong vai một người nhà đưa bệnh nhân đến viện mình mong muốn điều dưỡng chăm sóc người nhà của mình phải niềm nở, dễ gần, tế nhị, quan tâm, chu đáo. Để đáp ứng các mong cầu của nhiều phía, điều dưỡng vừa phải là bảo mẫu để là người chăm sóc tốt, vừa phải là giáo viên để tư vấn giáo dục sức khỏe có hiệu quả, vừa phải là nhà quản lý để bảo quản tài sản của cơ sở y tế và người bệnh, vừa phải là nhà tâm lý để có thể đồng hành với người bệnh một cách tinh tế nhất. Những mong cầu từ nhiều phía hy vọng lên vai người điều dưỡng nhiều quá trong khi họ cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường, ngoài giờ làm việc, họ cũng phải chăm lo cho một gia đình, vật lộn với việc nuôi dạy con, và các mối quan hệ gia đình. Những cảm xúc tiêu cực từ nơi làm việc họ mang về nhà , người thân trong gia đình phải hứng chịu, đôi khi về nhà họ cũng không xả hết, lại xả ra những bệnh nhân mình chăm sóc. Lẽ nào một người chăm lo cho cái tài sản quý nhất của con người là sức khỏe lại chịu nhiều thiệt thòi, cộng đồng có thái độ như thế nào? Xin thưa rất ít trong chúng ta có thái độ biết ơn , thậm chí còn nói xấu họ trong nhiều cộng đồng. Vậy đâu là nhịp cầu kết nối điều dưỡng với cộng đồng?
Trở lại với lịch sử của ngành, bà Florence Nightingale (1820 - 1910) - Người khai sinh ra ngành điều dưỡng thế giới bà đã vượt qua nhiều rào cản của gia đình và của xã hội, vượt qua những nếp suy nghĩ cũ, đặt nền móng cho các quy trình chăm sóc trong các cơ sở y tế và khẳng định tầm quan trọng của điều dưỡng trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh . Và ngày sinh của bà đã được Hội đồng Điều dưỡng thế giới chọn làm ngày Điều dưỡng thế giới.
Người điều dưỡng thế kỷ 21 này, chúng mình đã làm gì để nối tiếp cuôc cuộc của bà F. Nightigale? Với sự phát triển của công nghệ hiên nay, mình có nên ứng dụng nền tảng công nghệ để truyền thông kết nối cộng đồng giúp cộng đồng hiểu và thông cảm với công việc của những chiến sỹ áo trắng, lặng thầm phục vụ trên những cuộc chiến không tiếng súng? Mình có nên tạo một cộng đồng kết nối giữa người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và những người chăm sóc? Mình có cần kêu gọi sự ủng hộ của người thân ?
Và những thượng đế - đóng vai bệnh nhân đến với các cơ sở y tế, đã bao giờ bạn có câu hỏi là tại sao người chăm sóc mình có gương mặt chưa được niềm nở, lời nói chưa được ngọt nào? cử chỉ chưa được nhã nhặn, cư xử chưa được tinh tế? Các bạn đã bao giờ biết những nghĩa vụ và trách nhiệm mà người điều dưỡng mang trên vai? Những cảm xúc tiêu cực nhận được từ những thân và tâm bệnh? Chăc chắn rồi, muốn là sẽ có cách thôi. Mong sao chúng ta có một cộng đồng kết nối giữa những người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và những người thực hiện công việc này. Chúng ta sẽ có nhiều chia sẻ hai chiều để hiểu nhau hơn, chúng ta sẽ có những giải pháp để giảm áp lực cho người phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người bệnh nhiều hơn.
Nhân ngày điều dưỡng thế giới 12/5 chúc cho tất cả chúng ta có sự kết nối tuyệt vời để mỗi người đều có một cuộc sống vui, khỏe và hạnh phúc và bình an.
Nam định. Ngày 11 tháng 5 năm 2023
Tác giả: Tăng Thị Thanh Huyền
Trường trung cấp y tế Nam định